Thần Lương Hằng Ngày

PVLC Tuần 1 Thường Niên

Trọng kính Cộng đồng Dân Chúa,

Chúng ta đã từ Mùa Giáng Sinh tiến sang Mùa Thường Niên, với Lễ Chúa Giêsu Chịu Phép Rửa, 

một lễ vừa là tận cùng của Mùa Giáng Sinh vừa là khởi điểm của Mùa Thường Niên,

tuy nhiên, vì là giai đoạn Mùa Thường Niên sau Mùa Giáng Sinh 

nên Mùa Thường Niên hậu Giáng Sinh vẫn theo chiều hướng Giáng Sinh.

Ở chỗ nếu chủ đề chung của riêng Mùa Vọng là "Ngôi Lời đã hóa thành nhục thể" (Gioan 1:14)

thì chủ đề chung của riêng Mùa Giáng Sinh là "Ngôi Lời ở cùng chúng ta", 

một chủ đề sẽ tiếp tục chi phối phụng vụ Lời Chúa của Mùa Giáng Sinh, 

bao gồm cả thời điểm của Tuần Bát Nhật Giáng Sinh, cũng như của thời điểm trước và sau Lễ Hiển Linh,

thời điểm còn có thêm ý nghĩa "chúng ta đã được thấy vinh hiển của Người", như Ba Vị chiêm vương gia. 

Và để tiếp tục chiều hướng của Mùa Giáng Sinh, chủ đề của PVLC cho Mùa Thường Niên hậu Giáng Sinh là: 

"Vinh hiển của Người Con ... đầy ân sủng và chân lý" (Gioan 1:14).

PVLC cho Lễ Chúa Giêsu Chịu Phép Rửa đã chứng thực chiều hướng "Người Con ... đầy ân sủng và chân lý" ấy,

bao gồm cả tuần thứ nhất Mùa Thường Niên này nữa, như ở trong những đường links sau đây:

bé tĩnh


Tuần 1

 GS-LeHienLinh.mp3 / https://youtu.be/SnyRmELeCFI / https://youtu.be/snjGCc4hzxI (từ Mp3)

https://youtube.com/live/uTdgoIUhAp4 (livestream) 

LeTamViVuongGiaDaoSi.mp3 / https://youtu.be/H4UB1wCLX7E

LeChuaGiesuChiuPhepRua-A.mp3 (Thứ Hai 8/1) / 

LeChuaGiesuLanhPhepRua.mp3 / 

https://youtu.be/tGNODrM5w24 (từ Mp3)

https://youtube.com/live/wsyBsgbTyoU (livestream)

TN.Tuan1-Thu3.mp3

TN.Tuan1-Thu4.mp3

TN.Tuan1-Thu5.mp3

TN.Tuan1-Thu6.mp3

TN.Tuan1-Thu7.mp3

ThanhHilarioGiamMucTienSi.mp3 

https://youtu.be/KuMIMDrS-2Q (13/1 - Thứ Bảy)

ThanhRaymundoPenafort.mp3 /

 https://youtu.be/kdkhYDv7ZtM (7/1 - Thứ Bảy)

 


Emmanuel Đông Phương 

Hôm nay, Chúa Nhật sau Tuần Bát Nhật Giáng Sinh, tức sau Lễ Mẹ Thiên Chúa 1/1, ở Hoa Kỳ cũng như ở hầu như các giáo phận trên thế giới, vì lý do mục vụ cho nhiều giáo dân có thể tham dự, đều mừng Lễ Hiển Linh, tột đỉnh của Mùa Giáng Sinh, vào Chúa Nhật này.

Thật vậy, Lễ Hiển Linh là tột đỉnh của Mùa Giáng Sinh là vì nếu "Lời đã hóa thành nhục thể và ở cùng chúng ta" (Giona 1:14) như một Đấng Thiên Sai Cứu Thế, Đấng Thiên Sai của dân Do Thái đúng như đã được tiên báo trong lịch sử cứu độ của họ, và vì thế Người cũng là Đấng Cứu Thế của chung nhân loại, như đã được Thiên Chúa hứa ban ngay sau nguyên tội (xem Khởi Nguyên 3:15), thì sự kiện ba chiêm vương gia đông phương theo ngôi sao lạ tìm đến với Người sau khi Người giáng sinh đã bắt đầu hiện thực dự án cứu độ của Thiên Chúa. 

Đó là một mầu nhiệm không phải ai trong dân Do Thái cũng có thể biết vào thời ấy, một dân tộc vốn coi thường dân ngoại, cho dân ngoại là những loại người tội lỗi xấu xa nhơ nhớp bởi họ tôn thờ những tà thần và ngẫu tượng nhân tạo giả trá, chứ không phải là vị Thiên Chúa chân thật duy nhất như dân Do Thái, cho dù Thánh Kinh và lịch sử cứu độ của dân Do Thái liên lỉ ám chỉ đến mầu nhiệm cứu độ phổ quát như vậy. Bởi thế, trong Bài Đọc 2 hôm nay, Thánh Phaolô Tông Đồ Dân Ngoại, trong Thư gửi Giáo đoàn Epheso mới dám nói mà không sợ kiêu ngạo rằng: 

"Thiên Chúa đã ban cho tôi việc phân phát ân sủng cho anh em, là theo ơn mạc khải cho tôi biết, tôi đã được thấu hiểu mầu nhiệm mà con cái loài người các thế hệ khác không được biết, nhưng nay đã mạc khải cho các thánh Tông đồ của Người, và cho các vị Tiên tri, nhờ Thánh Thần".

Phải, mầu nhiệm ấy là gì, mầu nhiệm được Thánh Thần chẳng những tỏ cho riêng vị tông đồ dân ngoại này mà còn tỏ cho các vị tông đồ của Tân Ước và các vị tiên tri trong Cựu Ước nữa, thành phần được sai đi rao giảng tin mừng cứu độ, nếu không phải, như đã cảm nhận và cũng đã được Vị Tông Đồ Dân Ngoại Phaolô xác định trong Bài Đọc 2 hôm nay: "Nhờ Tin Mừng, các dân ngoại được nên đồng thừa tự, đồng một thân thể và đồng thông phần với lời hứa của Người trong Chúa Giêsu Kitô".


Trong Bài Đọc 1 hôm nay, Ngôn Sứ Isaia cũng đã nói tiên tri về ơn gọi và vai trò được tuyển chọn của dân Do Thái theo dự án cứu độ của Thiên Chúa, một dự án cứu độ mà nhờ họ và qua họ Thiên Chúa muốn tỏ mình ra và ban ơn cứu độ cho chung nhân loại:

"Hãy đứng lên, hãy toả sáng ra, hỡi Giêrusalem! Vì sự sáng của ngươi đã tới, vì vinh quang của Chúa đã bừng dậy trên mình ngươi. Kìa tối tăm đang bao bọc địa cầu, vì u minh phủ kín các dân, nhưng trên mình ngươi Chúa đang đứng dậy, vì vinh quang của Ngài xuất hiện trên mình ngươi. Chư dân sẽ lần bước tìm về sự sáng của ngươi, và các vua hướng về ánh bình minh của ngươi".


Chưa hết, cũng trong Bài Đọc 1 hôm nay, vị ngôn sứ này còn nói rõ hơn nữa về mầu nhiệm cứu độ phổ quát này, như thể ám chỉ đến chính sự kiện ba chiêm vương gia đại diện cho dân ngoại tìm đến bái thờ Hài Nhi Giêsu, qua các hình ảnh ám chỉ như sau:

"Hãy ngước mắt lên chung quanh, và hãy nhìn coi: tất cả những người đó đang tập họp, đang tìm đến với ngươi; các con trai của ngươi tự đàng xa đi tới, và các con gái ngươi đứng dậy từ khắp bên hông. Bấy giờ ngươi sẽ nhìn coi, và ngươi trở nên rực rỡ, tim ngươi sẽ rạo rực và sẽ phồng lên. Bởi vì những kho tàng bể khơi tuôn đến với ngươi, nguồn phú túc của chư dân sẽ tới tay ngươi. Những con lạc đà tràn ngập vây phủ lấy ngươi, những lạc đà một bướu tự xứ Mađian và Epha; tất cả những ai từ Saba đi tới, đem theo vàng và nhũ hương, và họ sẽ tuyên rao lời ca ngợi Chúa".

Trước mầu nhiệm cứu độ phổ quát tuyệt vời ấy, Thánh Vịnh gia trong Bài Đáp Ca hôm nay cũng không thể nào không hân hoan vang tiếng chúc tụng ngợi khen rằng: "Chúc tụng danh người đến muôn đời, danh người còn tồn tại lâu dài như mặt trời. Vì người, các chi họ đất hứa sẽ được chúc phúc, và các dân nước sẽ ca ngợi người".

Bài Phúc Âm của Thánh ký Mathêu hôm nay là bài phúc âm duy nhất trong cả 4 phúc âm về biến cố ba chiêm vương gia đông phương tìm "đến để triều bái Người". Thế nhưng, việc tìm kiếm của ba vị chiêm vương gia được bắt đầu từ kiến thức tự nhiên thông thạo của họ về trời đất cùng với lòng khao khát thần linh và tìm chân lý của họ, tự bản chất của những khả năng nhân bản này, tuy tốt lành và cần thiết, vẫn chưa đủ để gặp được Thiên Chúa, nếu không được chính Ngài tỏ mình ra cho, qua Thánh Kinh của người Do Thái. 

Bởi thế, mới xẩy ra sự kiện ngôi sao dẫn đường của họ và cho họ, trước khi dẫn họ đến chính chỗ "Lời đã hóa thành nhục thể và ở giữa chúng ta" (Gioan 1;14) thì đã biến mất ở ngay giáo đô Do Thái giáo là Thành Thánh Giêrusalem, nơi duy nhất có thể cho họ biết được đích xác đích điểm và đối tượng thần linh mà họ đang tìm kiếm. Đó là lý do phần đầu tiên của bài Phúc Âm hôm nay mới có đoạn sau đây: 

"Khi Chúa Giêsu sinh hạ tại Bêlem thuộc xứ Giuđa, trong đời vua Hêrôđê, có mấy nhà đạo sĩ từ Ðông phương tìm đến Giê-rusalem. Các ông nói: 'Vua người Do-thái mới sinh ra hiện đang ở đâu? Chúng tôi đã nhận thấy ngôi sao của Người ở Ðông phương, và chúng tôi đến để triều bái Người'. Nghe nói thế, vua Hêrôđê bối rối, và tất cả Giêrusalem cùng với nhà vua. Vua đã triệu tập tất cả các đại giáo trưởng và luật sĩ trong dân, và hỏi họ cho biết nơi mà Ðức Kitô sinh hạ. Họ tâu nhà vua rằng: 'Tại Bêlem thuộc xứ Giuđa, vì đó là lời do Ðấng Tiên tri đã chép: Cả ngươi nữa, hỡi Bêlem, đất Giuđa, không lẽ gì ngươi bé nhỏ hơn hết trong các thành trì của Giuđa, vì tự nơi ngươi sẽ xuất hiện một thủ lãnh, Người đó sẽ chăn nuôi Israel dân tộc của Ta'".

Thật vậy, sự kiện kiến thức tự nhiên của ba chiêm vương gia này nhận biết các điềm trời đất để tìm kiếm chân lý, tìm kiếm Đấng Tối Cao của mình chỉ đạt tới một mức độ giới hạn nào đó thôi. Muốn biết một cách đích xác hơn, Thiên Chúa là ai và ở đâu, như thế nào, chính Thiên Chúa cần phải tự tỏ mình ra cho con người, như Ngài đã liên tục tỏ mình ra nơi lịch sử của dân Do Thái, qua các biến cố của họ cũng như qua các vị tiên tri được Ngài sai đến với họ. Nhờ mạc khải thần linh của Thiên Chúa, như là những dấu mốc hay cột mốc chính yếu bất khả thiếu, con người mới có thể gặp được Ngài, như ba chiêm vương gia trong bài Phúc Âm hôm nay, nhờ chỉ dẫn của Thánh Kinh, như Thánh ký Mathêu ghi lại như sau:

"Bấy giờ Hêrôđê ngầm triệu tập mấy nhà đạo sĩ tới, cặn kẽ hỏi han họ về thời giờ ngôi sao đã hiện ra. Rồi vua đã phái họ đi Bêlem và dặn rằng: 'Các khanh hãy đi điều tra cẩn thận về Hài Nhi, rồi khi đã gặp thấy, hãy báo tin lại cho Trẫm, để cả Trẫm cũng đến triều bái Người'. Nghe nhà vua nói, họ lên đường. Và kìa ngôi sao họ xem thấy ở Ðông phương, lại đi trước họ, mãi cho tới nơi và đậu lại trên chỗ Hài Nhi ở. Lúc nhìn thấy ngôi sao, họ hết sức vui mừng. Và khi tiến vào nhà, họ đã gặp thấy Hài Nhi và Bà Maria Mẹ Người, và họ đã quỳ gối xuống sụp lạy Người. Rồi, mở kho tàng ra, họ đã dâng tiến Người lễ vật: vàng, nhũ hương và mộc dược. Và khi nhận được lời mộng báo đừng trở lại với Hêrôđê, họ đã qua đường khác trở về xứ sở mình".

Đúng thế, chỉ sau khi được Thánh Kinh chỉ dẫn, ba chiêm vương gia này mới thấy lại ngôi sao lạ, nhờ đó họ đến được tận nơi mà họ muốn tới, hay đúng hơn nơi mà họ được dẫn tới, vì ở nơi đó là một ngôi "nhà" chứ không phải là một dinh thự, chỉ có "Hài Nhi và Bà Maria Mẹ Người", chứ không phải một đức vua uy nghi lẫm liệt ngự trên ngai vàng cùng với hoàng thái hậu bên cạnh. 

Ở đây không thấy nói tới Thánh Giuse. Chắc có thể bấy giờ, ngay lúc ba chiêm vương gia này bất ngờ tiến vào nhà thì ngài đi đâu vắng hay bận làm gì đó. Nhưng hình ảnh Mẹ Maria bên cạnh Hài Nhi Giêsu trước mặt ba chiêm vương gia này đã chẳng những cho thấy Lễ Mẹ Thiên Chúa được Giáo Hội có lý để mà sắp xếp (vào ngày 1/1) trước Lễ Hiển Linh (6/1), mà còn ám chỉ công cuộc cứu chuộc trần gian, bao gồm cả dân Do Thái lẫn dân ngoại, được thực hiện bởi chính Người Con Thần Linh này cùng với sự đồng công cộng tác bất khả thiếu của Người Mẹ.

Tuy chỉ nhìn thấy "Hài Nhi và Mẹ Người" trong một ngôi "nhà" tầm thường, chẳng có gì là uy nghi cao cả, nguy nga lộng lẫy, hùng hậu triều thần v.v. như ở các cung đình khác trên thế gian này, ba chiêm vương gia vẫn tin tưởng Hài Nhi đó chính là "vua Do Thái mới sinh", Đấng mà họ đã bất chấp ngàn dặm xa xôi vất vả (có thể bất chấp cả những lời nhạo báng chê bai của những ai thân quen biết được ý định lên đường mù mịt mơ hồ của họ) để đến "bái thờ" với tất cả lòng thành kính và tin tưởng của mình: "khi tiến vào nhà, họ đã gặp thấy Hài Nhi và Bà Maria Mẹ Người, và họ đã quỳ gối xuống sụp lạy Người. Rồi, mở kho tàng ra, họ đã dâng tiến Người lễ vật: vàng, nhũ hương và mộc dược".

Ba chiêm vương gia đông phương này, so với thành phần mục đồng Do Thái cũng đã đến kính viếng Hài Nhi Giêsu trước đó trong chính Đêm Giáng Sinh, là thành phần thuộc hàng trí thức khôn ngoan và vương giả giầu có, mang theo họ những gì quí báu nhất để có thể xứng đáng bài thờ Hài Vương Giêsu, những món quà khác nhau và quí báu nhất của họ là "vàng, nhũ hương và mộc dược", ám chỉ 3 vai trò của Đấng Thiên Sai Cứu Thế là vương đế (được tiêu biểu nơi "vàng"), tư tế (được tiêu biểu nơi "nhũ hương") và ngôn sứ (được tiêu biểu nơi "mộc dược"). 

Ba món quà quí giá này còn tiêu biểu cho các nền văn hóa đa dạng của dân ngoại, tuy cao quí và tốt đẹp, nhưng vẫn cần phải được qui về Chúa Kitô là Đấng qui tụ lại hết mọi sự (Epheso 1:10) để được thăng hoa và thánh hóa "trong tinh thần và chân lý" (Gioan 4:24). Ba món quà này, nếu tiêu biểu cho các nền văn hóa đa diện của các dân ngoại như thế, thì các nền văn hóa tiêu biểu nhất thời bấy giờ bao gồm 3 thứ văn hóa chính yếu khác nhau là: đạo giáo Đông phương (vàng), triết lý Hy Lạp (nhũ hương) và Luật pháp Rôma (mộc dược).